Bà vẫn khỏe chứ ạ? Cháu ở bên này vẫn khỏe bà ạ. Cháu làm quen được nhiều bạn mới và đã dần quen với cách học tập ở bên này rồi nên bà đừng lo bà nhé. Về ăn uống, thức ăn bên dù hơi khó ăn mấy hôm đầu nhưng cháu cx bắt đầu cảm thấy là mình có thể ăn được nó trong vòng 4 năm tới rồi ạ (thực ra cháu thèm đồ Việt Nam lắm rồi bà ạ). Bà ơi, cháu biết là hơi đường đột, vì so với ở nhà mình, bên này có nhiều cái mới lắm ạ, nhưng hôm nay cháu sẽ viết cho bà một bài blog về một bộ phim trên một trang web tên là Netflix bà nhé. Vì hồi xưa cháu rất thích xem phim hoạt hình với bà nên hôm nay cháu sẽ viết về một bộ phim hoạt hình để so sánh sự khác biệt giữa phim của mình và phim của Mỹ bà nhé.
Hôm nay, cháu sẽ chọn viết về bộ phim “How to train your dragon” bà nhé. Điều khác biệt thứ nhất giữa bộ phim này với hầu hết tất cả các bộ phim hoạt hình ở Việt Nam đó là hiệu ứng hình ảnh bà ạ. Cháu phải nói là dù là phim hoạt hình nhưng cái cách mà các nhà làm phim tạo hình các nhân vật thì không khác gì người thật bà ạ. So với phim Việt Nam, vẫn còn gượng gạo ở những nét vẽ góc cạnh và không lột tả hết được cảm xúc của khuôn mặt, thì đúng là phim Mỹ đã tiến bộ vượt bậc bà ạ. Thêm nữa, cháu phải công nhận là họ rất giỏi trong việc dùng máy tính để tạo nên các cử động của các nhân vật bà ạ. Các nhân vật cử động không khác gì người thật luôn ạ: động tác uyển chuyển, nét mặt thể hiện rõ từng cảm xúc. Trong khi hoạt hình hồi xưa cháu với bà hay xem thì cử động của các nhân vật rất thô cứng, cứ như là các nhà làm phim vẽ từng hành động ra những tờ giấy rồi lật từng trang với một tốc độ rất nhanh. Ngoài ra cảm xúc của các nhân vật hoạt hình hồi xưa cháu xem nhiều cháu chả biết là họ vui hay họ buồn nữa ạ. Cháu chỉ có thể nhận ra khi những cảm xúc ấy kết hợp cùng với âm thanh như là buồn sẽ có tiếng khóc hoặc là vui sẽ có tiếng cười ý ạ.
Cái thứ hai đó chính là hiệu ứng âm thanh bà ạ. Nhớ cái thời mà hồi xưa hai bà cháu ngồi xem phim hoạt hình với nhau, điều cháu thấy đặc biệt, ngoài hiệu ứng hình ảnh như cháu nói ở trên, ở tất cả các phim hoạt hình hồi đó đều chỉ có một bài nhạc xuyên suốt cả bộ phim. Ngoài một bản nhạc ấy ra, thì phim hoạt hình thời ấy còn có cả những hiệu ứng âm thanh hỗ trợ cho hành động của các nhân vật, nhưng những âm thanh ấy bây giờ cháu xem lại thì quá thật nó hơi đơn giản và không thể hấp dẫn được người xem. Trong phim “How to train your dragon”, cháu chỉ có thể nói một điều là tuyệt vời. Bộ phim ấy không chỉ dùng một bài nhạc mà nó có rất nhiều bài hát dùng trong các hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như trong những cảnh huyền ảo và ma mị, một bài nhạc mang tính chất rùng rợn, sợ hãi sẽ đc nổi lên khiến cho người xem cảm thấy hơi rợn tóc gáy. Hơn thế nữa, xuyên suốt trong cảnh đánh nhau, một bản nhạc hùng tráng, dồn dập, và sôi động sẽ đi kèm để tăng thêm tính kịch tính cho các pha hành động trong phim. Nếu mà cháu được xem những bộ phim kiểu như thế khi cháu còn bé thì chắc chắn là cháu sẽ rất háo hức khi xem những đoạn có hành động bà ạ.
Bà ơi, cháu sẽ kết bài ở đây thôi ạ. Cuối cùng thì, phim hoạt hình ở nước mình có lẽ phải học tập rất nhiều ở phim hoạt hình của Mỹ ạ. Chỉ có như vậy thì hoạt hình ở nước mình mới có thể phát triển và thu hút được nhiều người xem bà ạ. Bà đừng lo cho cháu bà nhé vì ở bên này cháu đang sống rất tốt bà ạ. Cháu chúc bà luôn mạnh khỏe và luôn sống vui vẻ bà nhé. Đến hè năm sau cháu sẽ lại về chơi với bà ạ. Cháu chào bà.
No comments:
Post a Comment